Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 2

  * MẸ MARIA DẠY  VỀ CÁC LỜI KHẤN BẬC TU TRÌ;

 * NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỨC MARIA SỐNG TRONG ĐỀN THỜ

 Con yêu dấu của Mẹ, Mẹ cho con lời giáo huấn con ước ao xin thực hành. Nhưng con cần phải nhận giáo huấn này với tinh thần ngưỡng vọng nhiệt thành, sẵn sàng thực hành. Người khôn ngoan nói: “Con của cha, nếu con bảo lãnh cho bạn hữu của con, con đã cột tay con vì người khác, con bị ràng buộc vì lời nói từ miệng con, con bị kẹt vì chính lời của con” (Cn 6:1-2). Cũng thế, người nào thề hứa với Thiên Chúa là cột chặt ý muốn riêng của mình vào Chúa. Bởi vậy, người đó không có tự do hành động theo ý mình mà phải theo sự chỉ dẫn và thánh ý Chúa. Khi tuyên khấn, người thệ hứa đã tự nguyện ràng buộc vào Chúa, bị cột giữ do những lời từ chính miệng mình nói ra. Trước khi tuyên khấn, quyền lựa chọn còn ở trong tay mình; nhưng một khi đã tự ràng buộc thì phải tuân theo. Con hãy nói cho những người đó biết họ phải hoàn toàn ký thác hiến dâng tự do cho Thiên Chúa qua các bề trên. Các linh hồn được cứu độ hoặc bị hư mất hoàn toàn tùy thuộc việc sử dụng ý chí tự do của mình. Đấng Tối Cao đã thiết lập đời sống tu trì dưới các lời khấn thánh hiến chính vì để cứu nhân loại khỏi lạm dụng ý chí tự do mà làm hại chính họ.

Qua lời tuyên khấn, quyền tự do làm điều xấu được may mắn mất đi, còn tự do làm điều lành được bảo đảm vững chắc. Lời khấn hứa tựa như dây cương dẫn qua khỏi mọi hiểm nguy, đưa tới con đường êm ái vững chắc. Linh hồn thoát khỏi tình trạng nô lệ, khỏi bị các đam mê khống chế; được sức mạnh mới chống lại các thứ đó; lấy lại địa vị chúa tể nơi vương quốc của mình; chỉ qui phục luật ân sủng và ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn. Vì thế, nếu linh hồn dâng hiến toàn thể ý chí của mình chỉ để chu toàn các điều đã khấn hứa với Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ quản trị và hướng dẫn mọi hoạt động của linh hồn đó. Như thế, người ta từ thân phận nô lệ đổi sang hoàn cảnh và tình trạng là con Đấng Tối Cao; từ cuộc sống thế tục chuyển sang cuộc sống thiên thần; sự hư hoại vì hiệu lực xấu xa của tội lỗi không thể phát huy toàn lực. Còn ở trần thế, con không thể nào ước lượng hoặc hiểu thấu các kho tàng ân sủng gồm những gì, bao nhiêu được ban cho các linh hồn tận lực tận tình phấn đấu chu toàn cách hoàn hảo các lời khấn hứa. Con hết sức yêu quí của Mẹ, Mẹ bảo đảm với con rằng một người có thể ngang bằng hoặc vượt hơn công nghiệp các thánh tử đạo nếu người đó nhiệt thành thi hành cách trọn hảo các nhiệm vụ tu trì. Các linh hồn tu trì cần giữ những ước nguyện theo thứ tự:

 Thứ nhất: Họ phải phấn đấu để nhiệt thành chu toàn các bổn phận theo lời khấn và tất cả các nhân đức nối kết với những lời khấn đó.

 Thứ hai: Họ có thể thực hành những việc tự nguyện, những việc được gọi là “làm quá bổn phận”. Một số linh hồn, tìm kiếm sự trọn lành, nhưng bị ma quỉ làm lạc đường, ấp ủ lòng nhiệt thành không chính đáng, thường làm nghịch lại. Vì thế, trong khi thiếu sót trầm trọng các bổn phận chính, họ lại sốt sắng thêm những thực hành tự nguyện khác, vốn thường ít ích lợi, hoặc nổi lên tinh thần tự phụ, tự tôn. Họ âm thầm muốn được coi là nổi bật về lòng nhiệt thành trọn lành, trong khi đó thực ra họ rất xa ngay cả bước khởi đầu của sự trọn lành. Mẹ không muốn thấy ở con một lỗi lầm nào đáng bị quở trách. Nhưng, trước hết con hãy chu toàn mọi bổn phận theo lời khấn và trong đời sống cộng đồng, kế đến con có thể thêm những gì con có khả năng, tùy theo khả năng của con và ơn Chúa soi dẫn. Những điều này sẽ tô điểm, làm cho linh hồn con đáng được chấp nhận trước mắt Thiên Chúa.

Lời khấn Đức Phục Tòng là điều thề hứa chính trong đời sống tu trì. Lời khấn phục tòng hàm ý khước từ ý muốn riêng mình. Nhờ lời khấn này, các tu sĩ từ bỏ mọi quyền nói về mình: tôi sẽ làm hoặc tôi sẽ không làm; người tu sĩ vứt bỏ, khước từ mọi quyền này do đức vâng phục, ký thác mình trong tay bề trên. Để chu toàn bổn phận này, điều cần thiết là con không cho rằng mình khôn ngoan, không thấy mình vẫn còn là chủ những ý thích, những ước vọng, hoặc ý kiến của con. Đức phục tòng đích thực phải gồm có phẩm chất đức tin, để các lệnh của bề trên được tôn trọng, kính cẩn thi hành, mà không chỉ trích phê phán. Để phục tòng cách thích nghi, con phải tự coi mình không có ý kiến, không có cuộc sống riêng mình, trái lại con phải để cho mình được dìu dắt và quản trị tựa như một xác chết, sống chỉ để tận tụy thi hành mọi điều bề trên muốn. Không bao giờ xét con phải chu toàn lệnh bề trên hoặc không, mà chỉ nghĩ làm cách nào con thi hành điều bề trên đưa ra cách tốt đẹp nhất.

Con hãy nhớ phương cách trọn hảo nhất của đức phục tòng là tránh xúc phạm bề trên bằng việc tỏ ra con không đồng ý với người. Bề trên muốn tìm một đức phục tòng tự nguyện. Những lệnh bề trên đưa ra phải được tuân theo tức thời, không phản đối hoặc lầm bầm, bằng lời nói hoặc bất cứ cử chỉ nào khác. Bề trên thay quyền Chúa, người nào phục tòng bề trên là tuân phục chính Chúa, Đấng quản trị và soi sáng các vị đó, để các lệnh bề trên đưa ra sẽ vì mục đích cứu độ các linh hồn. Sự tuân phục đối với bề trên đi thẳng tới chính Thiên Chúa, Đấng tỏ hiện thánh ý Ngài qua các bề trên (Lc.10:16). Con phải thuyết phục chính con tin Chúa nói qua các vị đó, đó là lời của chính Chúa. Con đừng sợ vâng phục, vì đó là con đường hết sức an toàn. Trong ngày chung phán, Thiên Chúa không xét những sai lầm của kẻ phục tòng; Chúa sẽ gột sạch mọi tội lỗi khác khi xét đến hy sinh được hiến dâng do đức tuân phục. Con cực thánh Mẹ đã hiến dâng những đau khổ và cái chết vô giá của Ngài cách đặc biệt cho những kẻ yêu mến phục tòng. Ngay cả đến bây giờ, để làm nguôi lòng Thiên Chúa Cha, Chúa Ngôi Hai xin Thiên Chúa Cha nhớ đến việc Ngài tuân phục cho đến chết trên Thánh Giá (Phil. 2:8), mà nhờ đó Thiên Chúa Cha nguôi cơn thịnh nộ đối với nhân loại.

      Lời khấn Đức Thanh Bần là việc đại lượng khước từ, xa tránh gánh nặng các thứ tạm bợ; làm nhẹ nhàng tinh thần, là ơn trợ giúp được ban cho sự yếu đuối của loài người, là sự tự do của trái tim thanh tịnh theo đuổi phúc lộc thiêng liêng vĩnh cửu. Đức Thanh Bần là sự giầu có dư dật, trong đó lòng khao khát của cải trần thế được làm nhẹ bớt, quyền vui hưởng mọi giàu sang tột đỉnh cao quí được thiết lập. Con của Mẹ, tất cả những điều này và muôn hồng ân khác tích chứa trong đức thanh bần tự nguyện, mà con cái trần gian không biết. Những người đó chỉ yêu mến của cải trần thế, thù mghịch đức khó nghèo thánh thiện phong phú này. Họ không cân nhắc, mặc dầu họ cảm thấy đau khổ vì sức nặng của cải níu chặt xuống đất, đưa họ tới chính lòng trái đất để mưu tìm vàng bạc với nỗi ưu tư lớn lao. Họ bỏ ăn bỏ ngủ, lao khổ và mồ hôi, như thể họ không phải là người, mà là dã thú, đến độ không biết những việc họ đang làm là đau khổ. Nếu họ bị níu kéo nặng nề như thế khi chưa tìm được của cải, thì khi sở hữu những thứ đó họ còn bị cột chặt xuống đất nặng nề chừng nào? Hãy để cho vô số linh hồn, đã sa hoả ngục vì của cải, nói rõ gánh nặng của họ. Hãy để những lo lắng mưu toan khôn tả về bảo vệ tài sản, hãy để cho các luật lệ bất khả nhượng mà của cải và những người sở hữu chúng đưa vào thế gian, nói rõ những gì cần phải có để duy trì những thứ đó!

Của cải vật chất bóp nghẹt và tàn ác đè bẹp tinh thần yếu đuối, triệt hạ đặc quyền theo đuổi sự tốt lành vĩnh cửu là chính Thiên Chúa. Trái lại, Đức Thanh Bần tự nguyện khôi phục lại cho nhân loại địa vị cao quí, giải thoát họ khỏi nô lệ sự ác độc, phục hồi quyền tự do siêu việt và quyền làm chủ mọi thứ. Người ta không bao giờ có thể là chủ nhân đích thực nếu không khinh chê của cải, chỉ khi nào tự nguyện không màng đến của cải, người ta mới có được của cải vững bền hơn và sử dụng của cải cách khôn ngoan hữu hiệu hơn. Khi đó, hơn hết mọi sự là trái tim được tự do, có thể tích chứa kho tàng Thiên Chúa, mà trái tim được Đấng Tạo Hoá ban cho sức chứa hầu như vô cùng.

Của cải vật chất tạm bợ được Đấng Tối Cao tạo dựng chỉ với mục đích duy nhất là duy trì sự sống. Khi đạt tới mục đích này rồi, nhu cầu của cải vật chất không cần nữa. Nhu cầu này hữu hạn, được thỏa mãn dễ dàng nhanh chóng, nên không có lý do để việc lo lắng cho linh hồn bất tử chỉ thất thường tạm bợ. Thế mà nhân loại để cho lòng khao khát của cải quá sức liên tục không hề đứt quãng. Người ta tận hiến thì giờ, hết lòng lo lắng ân cần, dồn hết khả năng lanh lợi của trí óc chỉ để lo cho việc sống của thân xác, mà không biết sẽ kéo dài được bao lâu, cũng chẳng biết khi nào chấm dứt. Trái lại, người ta chỉ dành cho linh hồn khốn nạn của họ được một giờ khắc duy nhất trong suốt bao nhiêu năm cuộc sống, mà giờ đó rất thường là cuối cùng và tồi tệ nhất trong đời họ.

Lời khấn Đức Trinh Khiết gồm có sự trinh khiết thân xác và linh hồn. Sự trinh khiết này dễ bị mất, đôi khi khó khăn hoặc không thể nào hồi phục lại được, tùy theo cách làm mất nhân đức này. Kho tàng Đức Trinh Khiết quí báu được tàng trữ trong lâu đài có nhiều cửa ra vào. Nếu những cữa ngõ này không được canh giữ bảo vệ cẩn mật, kho tàng quí báu này không chút bảo đảm an toàn. Con của Mẹ, để duy trì được trọn hảo lời khấn Đức Trinh Khiết, cần phải thiết lập một giao ước bất khả xâm phạm với các giác quan của con, không sử dụng chúng, ngoại trừ những gì thuận theo phán đoán của lý trí và vì vinh danh Đấng Tạo Hoá. Sau khi các giác quan của con bị diệt, con dễ dàng đánh bại các kẻ thù của con, vì chỉ qua các giác quan kẻ thù mới có thể đánh bại con. Không một tư tưởng nào có thể trở lại, hoặc được làm cho hoạt động trở lại, trừ phi được xúi giục khích thích bởi những hình ảnh và ấn tượng được thâu nhận qua các ngoại giác.

 Mặc dầu không một thánh đức nào thiếu nơi linh hồn người tuyên khấn và được xứng đáng tước hiệu là hiền thê của Chúa Kitô, chính Đức Trinh Khiết làm cho người khấn giữ xứng đáng và giống Đức Phu Quân hơn hết. Chính Đức Trinh Khiết làm cho trinh nữ trở nên cao quí, được đưa ra khỏi tính hay hư nát trần thế, được nâng lên cuộc sống thiên thần, trở nên giống Chúa. Thánh đức này tô điểm mọi thánh đức khác, nâng thân xác lên bậc cao hơn, soi sáng trí khôn, tích trữ trong linh hồn sự cao quí vượt trội hơn hết mọi thứ hay hư nát. Thánh đức này thuộc về một kết quả đặc biệt của Ơn Cứu Độ mà Con của Mẹ giành được trên Thánh giá. Sách Thánh nêu lên cách rõ ràng rằng “các trinh nữ tháp tùng đi theo Con Chiên” (Kh 14:4).

Lời khấn dâng mình trong tu viện là tường thành bảo vệ Đức Trinh Khiết và mọi thánh đức, là cấm khu trong đó các thánh đức được nuôi dưỡng phát triển. Đó là đặc quyền Thiên Chúa ban cho các nữ tu, tránh cho họ khỏi những lôi cuốn nặng nề nguy hiểm mà sự tự do của thế gian trả cho người theo những phù vân của nó. Do lời khấn này, người nữ tu sống như trong một hải cảng được phòng thủ an toàn, trong khi các linh hồn khác ngụp lặn đắm chìm trong biển đời đầy giông tố. Vì có hết sức nhiều lợi điểm, việc dâng mình sống trong tu viện không thể bị coi như giam hãm trong cấm cung. Trong vòng thành tu viện, những cánh đồng thánh đức bao la được dành sẵn cho người nữ tu. Trong môi trường như thế, người nữ tu có thể giải trí và vui thú. Chỉ khi nào không còn cảm thấy hứng thú trong niềm vui này, người nữ tu mới bắt đầu cảm thấy sự tù túng trong cuộc sống tự do tuyệt vời này. Con của Mẹ, đối với con, đừng để có một chỗ vui chơi nào khác; Mẹ cũng không muốn thấy con bị giam mình trong những giới hạn chập hẹp cho dù nơi đó bằng cả thế giới hữu hình. Con hãy lên tới đỉnh cao hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa, nơi không một ranh giới hoặc giam hãm nào có thể giữ được con, tại đó con có thể sống trong tự do tuyệt đối. Từ nơi cao đó con sẽ thấy mọi thụ tạo nhỏ bé xấu xa đáng khinh chê chừng nào, những thứ đó quá nhỏ hẹp không thể giữ linh hồn con được.

Chúng tôi (tác giả) xin kể lại chính lời Đấng Tối Cao giải thích điều này:

 

    “Tất cả các việc làm của Đức Maria, Đấng là Mẹ Thiên Chúa làm người, đều tột đỉnh trọn hảo về mọi phương diện. Các hành động nhân đức nội tâm của Người hết sức cao quí, công nghiệp và ân huệ cực độ vĩ đại. Phần con, (linh hồn tác giả), có thể hiểu nhưng không thể giải thích các việc đó bằng ngôn ngữ của con. Trong cuộc lữ hành, trong thân xác hay chết của con, con hãy đặt Đức Maria rất thánh làm gương sáng cho con, đi theo Người qua sa mạc bằng việc khước từ mọi thứ thuộc về loài người và thế giới hữu hình. Con hãy để Đức Maria là sao Bắc Đẩu dẫn đường con đi. Người sẽ cho con thấy rõ thánh ý Cha, sẽ cho con tìm thấy nơi Người luật thánh Cha, con hãy suy gẫm luật đó ngày đêm. Đức Maria, do lời Người cầu bầu, sẽ đánh vào tảng đá nhân tính Chúa Kitô (Ds 20:11), để nơi sa mạc này, các nguồn nước ân sủng và ánh sáng siêu nhiên được tuôn ra, để khát vọng của con được no thoả, kiến thức của con được soi sáng, ý chí con bốc cháy. Đức Maria sẽ là cột lửa soi sáng đường con đi (Xh 13:21), là cột mây cho con bóng mát, giải khát con chống lại sức nóng do các đam mê, chống lại sự hung ác của kẻ thù con.”

“Con sẽ có nơi Đức Maria một thiên thần canh giữ bảo vệ, hướng dẫn (Xh 13:21), đưa con thoát khỏi những hiểm nguy của thành Babylon và Sodoma, để án trừng phạt của Cha không vươn tới con. Con sẽ có nơi Người một Bà Mẹ yêu thương, Người Bạn cố vấn, Giáo Sư hướng dẫn, Đấng bầu cử che chở, Nữ Vương mà con có thể phục vụ và vâng phục như một nữ tì. Trong các thánh đức, Đấng Hiền Mẫu này của Con Một Yêu Dấu Cha đã thi hành trong đền thờ, con sẽ tìm thấy một bản tóm lược tất cả các sự trọn lành tột đỉnh theo đó con phải sắp xếp đời con. Hãy học ở Người để con là một bản sao y hệt đáng tin cậy tất cả các thánh đức của Người, vẻ đẹp Đức Trinh Khiết, sự dễ thương của Đức Khiêm Tốn, tính tức thời cao độ nhất trong việc Tận Hiến và Vâng Lời, kiên định của Đức Tin, vững vàng của Đức Cậy Trông, lửa của Đức Yêu Mến, và là hình bóng trọn vẹn nhất tất cả mọi kỳ công của quyền năng Cha. Con phải điều chỉnh cuộc đời con theo qui luật này; do gương sáng này con phải sắp xếp, trang trí đời con theo vẻ diễm kiều duyên dáng của một tân giai nhân muốn đi vào phòng Đấng Phu Quân và Chúa của mình.”

“Nếu sự cao quí và điều kiện của vị giáo sư là động cơ thúc đẩy môn đệ, làm cho học thuyết của mình được dễ dàng chấp nhận và khả ái hơn, (thì) ai có thể thu hút con mạnh mẽ hơn Vị Nữ Giáo Sư của con, Đấng là Mẹ của Phu Quân của con. Người được tuyển chọn tinh tuyền trinh trắng hơn hết trong tất cả mọi phụ nữ, không một tì vết tội lỗi, cùng một lúc là Trinh Nữ và Mẹ của Con Một Vô Cùng Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha. Con cần nghe lời Vị Nữ Giáo Sư cao cả này; bắt chước Người cặn kẽ; suy gẫm không ngưng nghỉ sự tuyệt vời và các thánh đức đáng ca tụng của Người. Con hãy nhớ cuộc sống và các đối thoại Người tiến hành trong đền thờ là khởi đầu, mà tất cả các linh hồn nối gót Người thánh hiến làm hiền thê của Chúa Kitô, phải bắt chước chính những việc đó.”

Bây giờ chúng tôi trở lại với các hành động của Đức Maria trong đền thờ. Sau thị kiến Thiên Chúa, Đức Maria nạp cho bà giáo tất cả mọi thứ sở hữu. Người trút bỏ hết mọi thứ để hoàn toàn gắn bó Đức Phục Tòng; giấu dưới thánh đức này các kho tàng ân sủng khôn ngoan vĩ đại hơn của các thiên thần sốt mến Seraphim. Đức Maria xin thầy cả và bà giáo vạch cho Người qui luật sống hướng dẫn trong các việc làm. Sau khi vị tư tế và bà giáo cân nhắc lời thánh nhi Maria, và được ơn Chúa soi sáng, đã gọi Công Chúa thiên cung tới trước mặt hai vị. Vì kính trọng chức vụ và địa vị của các ngài, Công Chúa Maria đã hết sức khiêm tốn xin được phép quì suốt buổi hội kiến này.

 Vị thượng tế nói với thánh nhi Maria: “Con của ta, ngay khi Con còn là một hài nhi rất non trẻ, Chúa đã đưa Con tới nhà và là đền thờ Chúa. Con hãy cảm tạ ơn Chúa vì hồng ân này, từ đó mưu cầu lợi ích bằng cách hết lòng phụng sự Chúa trong chân lý với trái tim ngay thẳng. Con hãy giành cho được tất cả các nhân đức, để Con có thể từ nơi thánh này trở về, được chuẩn bị sẵn sàng và trang bị sức mạnh chống lại mọi khó khăn nguy hiểm trần thế. Con hãy vâng lời giáo sư Anna và sớm khởi đầu mang ách ngọt ngào của thánh đức, để Con có thể thấy ách đó dễ mang suốt đời” (Thren. 3:27).

Hài nhi thiên cung đáp: “Thưa thầy của Con, thầy là thừa tác, là tư tế của Thiên Chúa và thay quyền Chúa; thưa giáo sư của Con; con xin thầy tư tế và giáo sư chỉ dạy con mọi việc con phải làm để con có thể tránh khỏi lỗi lầm. Con ước nguyện vâng lời thầy tư tế và giáo sư trong mọi sự.” Thầy cả thượng phẩm và bà giáo Anna cảm thấy được soi sáng phải đặc biệt chăm sóc hài nhi thiên cung này.

Thầy cả thượng phẩm cũng nói cho hài nhi Maria biết qui luật về mọi việc làm hàng ngày: “Con của thầy, con sẽ tham gia các việc chúc tụng ca hát tôn vinh danh Chúa với hết lòng cung kính nhiệt thành, luôn luôn xin Đấng Tối Cao ban những nhu cầu cho đền thánh và dân của Ngài, và xin cho việc Chúa Cứu Thế đến. Tám giờ con sẽ lui về nghỉ và thức dậy lúc rạng đông để chúc tụng Chúa cho tới giờ thứ ba (khoảng sáu giờ sáng). Từ giờ thứ ba cho tới chiều tối con sẽ làm các việc tay chân, để con sẽ được chỉ dạy về mọi thứ. Lúc bữa ăn, con hãy giữ sự chừng mực thích hợp. Kế đó con tới nghe bà giáo của con chỉ dạy. Phần còn lại trong ngày con sẽ dành vào việc đọc Sách Thánh. Trong mọi việc con hãy khiêm tốn, nhã nhặn, vâng theo lời bà giáo của Con.”

Thánh nhi vẫn còn quì trong khi lắng nghe lời vị tư tế và sau đó xin ngài chúc lành. Sau khi hôn tay thầy cả thượng phẩm và bà giáo, hài nhi Maria quyết tâm giữ qui luật sống được ấn định cho Người trong suốt thời gian ở trong đền thờ bao lâu các vị không truyền dạy cách khác. Công Chúa Maria, Đấng là Thầy sự thánh thiện, đã chu toàn các lệnh truyền. Các khát vọng và tình yêu nồng nàn thúc đẩy Người thi hành nhiều việc khác nữa. Do gương sáng đặc biệt này, những người sống đời tu trì cần học tránh không theo lòng yêu mến sôi sục theo ý riêng mình trái với Đức Vâng Lời và ý bề trên.

Đức Maria xin bà giáo cho phép phục vụ tất cả mọi người bằng những việc khiêm tốn: lau chùi các phòng ốc, rửa chén bát. Với lòng khiêm nhượng, Người biết cách dành thì giờ và cơ hội để làm việc đó, và làm trước những người khác. Đức Maria hiểu mọi mầu nhiệm và nghi lễ trong đền thờ, nhưng Người ân cần học những điều đó cả lý thuyết lẫn thực hành. Không bao giờ Người sót một nghi lễ hoặc bổn phận nào, bất kể nhỏ mọn đến đâu. 

Công Chúa thiên cung hết sức hiền lành, dịu dàng, thân ái trong mọi hành động; sẵn sàng phục vụ; thiết tha chuyên cần trong việc tự hạ; ân cần quí mến đối với tất cả các thiếu nữ trong đền thờ. Đức Maria tiến hành mọi việc cách khôn ngoan siêu việt. Không khi nào Người để mất một cơ hội làm việc thấp hèn, khiêm tốn phục dịch các bạn đồng liêu, và chu toàn điều làm vui lòng Thiên Chúa.

Đức Maria có mọi thánh sủng và đặc ân tự nhiên ở mức độ tột đỉnh toàn vẹn. Các thánh ân này lại được tăng cường do ân sủng siêu nhiên, tạo ra sự kết hợp tuyệt diệu các ân sủng và vẻ diễm lệ nơi toàn thân cùng hành động của Người. Khi ăn khi ngủ, cũng như trong mọi nhân đức khác, Người tột đỉnh vẹn toàn. Không khi nào Người vượt quá đức chừng mực, có khi còn giảm bớt dưới mức cần thiết. Tuy giấc ngủ được ấn định không cản trở việc chiêm niệm cao độ, nhưng, vì vâng lời, Người đã vui lòng bỏ việc này.

 Đức Maria phân chia và dùng thì giờ cách khôn ngoan, thời lượng được chia thích hợp cho mọi hành động. Đức Maria đọc nhiều trong Sách Thánh về các Thánh Tổ. Người thông thuộc Sách Thánh và các mầu nhiệm cao siêu trong đó vì Đấng Tối Cao đã cho Đức Maria biết mọi mầu nhiệm. Người đề cập những điều đó với các thiên thần hộ vệ. Người thấm nhuần và trao đổi về các điều đó cách khôn ngoan sắc bén. Nếu vị Nữ Giáo Sư thiên quốc này viết ra những điều Người hiểu, hẳn chúng ta có nhiều phụ bản thêm vào Sách Thánh để có thể rút ra từ đó sự hiểu biết tường tận các lời viết cùng ý nghĩa sâu xa của các mầu nhiệm được tích trữ trong kho tàng Giáo Hội.

LỜI MẸ MARIA

 Con của Mẹ, nhân loại bất toàn và cẩu thả trong việc tu đức, dễ dàng yếu nhụt đi trong việc thi hành nhân đức vì bản tính loài người luôn cố gắng tìm an nhàn, trốn tránh lao khổ. Khi linh hồn nghe theo và tùy ứng đối với phần thú tính của xác thịt cùng bản chất tự nhiên của nó, xác thịt sẽ tăng sức mạnh lên, chế ngự lý trí và tinh thần, làm cho lý trí và tinh thần suy yếu tới tình trạng nô lệ nguy hiểm đáng hổ thẹn. Điều ác độc này đáng bị mọi người ghê tởm, lo sợ đề phòng. Thiên Chúa ghê tởm điều đó nơi các thừa tác, các tu sĩ, vì những người đó được coi là trọn hảo. Vì hững hờ uể oải nơi sa trường và hay bị chiến bại, họ dần dần sống trong tê liệt, tin tưởng tự mãn với sự an toàn giả tạo. Họ bằng lòng với các việc thực hành nhân đức dễ dàng bề ngoài, đồng thời tưởng tượng mình đang leo lên đỉnh trọn lành. Lúc đó ma quỉ đưa ra những cám dỗ, gợi ra những điều dẫn tới sự xao lãng việc tu đức và những cám dỗ khác. Vì ít nhận thức rõ rệt các qui luật và các việc thực hành của đời sống tu trì, họ bắt đầu suy yếu trong mọi lãnh vực, coi những điều đó không quan trọng, tiếp tục sống trong an toàn giả tạo, để rồi dần dần mất hẳn ý thức của nhân đức đích thực.

 Con của Mẹ, Mẹ muốn con cảnh giác chống lại điều sai lầm này. Con hãy nhớ, sự chểnh mảng tự nguyện đối với một điều sai sót chuẩn bị và mở đường cho những điều khác; làm cho người ta dễ dàng phạm tội nhẹ; phạm tội nhẹ rồi đến phạm tội trọng. Vì thế người ta xuống dốc từ hố này đến hố khác, cho tới khi tới đáy vực chỉ vì coi thường điều xấu xa. Để ngăn ngừa thảm họa này, cần phải chận đứng dòng tội lỗi từ xa. Việc thực hành hoặc nghi lễ có vẻ nhỏ mọn chính là công sự, là đai phòng thủ phía ngoài chặn đứng địch quân từ xa. Trong khi đó các thành lũy pháo đài chính là các lời giáo huấn, các lệnh truyền và qui luật liên quan đến những vấn đề quan trọng hơn. Nếu ma quỉ phá vỡ, thắng được hàng phòng thủ ngoại vi, nó có lợi thế hơn thắng được những tuyến phòng thủ bên trong. Khi một khe hở rộng bị tạo ra do việc phạm tội, cho dù là tội nhẹ, ma quỉ có cơ hội tốt hơn để tấn công vào thành trì chính trong linh hồn. Linh hồn thấy mình yếu nhược vì các hành động và thói xấu, nhưng vì không có sức mạnh ân sủng, linh hồn không thể mạnh mẽ chống cự cuộc tấn công; và ma quỉ, vì đã chiếm được càng lúc càng nhiều quyền hành đối với linh hồn đó, bắt đầu khống chế, đàn áp linh hồn đó mà không gặp sức đối kháng.